Tài năng thiết kế xe hơi của người Hàn Quốc

17/06/2017 | 1374 |
0 Đánh giá
Những bản vẽ của các nhà thiết kế Hàn Quốc đã và đang để lại nhiều dấu ấn trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi.

Trong ngành công nghiệp xe hơi, thiết kế là một trong những yếu tố then chốt chinh phục khách hàng. Hàn Quốc, một quốc gia có ngành công nghiệp xe hơi non trẻ nếu so với châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản, đang được biết đến nhờ sở hữu đội ngũ các nhà thiết kế ghi dấu ấn lớn trên toàn cầu.

Những mẫu xe hàng đầu như Chevrolet Camaro, Bentley đều mang dấu ấn và đại diện cho tiếng tăm của các nhà thiết kế Hàn Quốc. Một số chuyên gia còn dùng từ "Italy của châu Á" để nói về sức ảnh hưởng của họ tới ngành thiết kế xe hơi.

"Chất lượng và công nghệ giữa các nhà sản xuất xe hơi đang dần đồng đều. Để cạnh tranh, sự khác biệt về thiết kế được chú trọng", tờ Reuters viết. "Và Hàn Quốc được chú ý đến bởi nơi đây sinh ra rất nhiều nhà thiết kế tài năng".

Những cái tên nổi danh như Sangyup Lee, Jinwon Kim và Jay Jongwon Kim là đại diện cho thế hệ thiết kế xe hơi Hàn Quốc. Họ từng làm việc ở một số thương hiệu xe hơi ở Mỹ và châu Âu, thậm chí cả Toyota, và 2 thương hiệu tại "quê nhà" Hyundai và Kia.

Tai nang thiet ke xe hoi cua nguoi Han Quoc hinh anh 1
Sangyup Lee người chỉ đạo thiết kế mẫu Camaro năm 2009.

8 năm trước, Sangyup Lee đứng đầu một nhóm nhà thiết kế Hàn Quốc, Nga và Brazil thiết kế lại chiếc Camaro thế hệ mới ra mắt năm 2009. Sau đó, ông chuyển tới tập đoàn Volkswagen, rồi đến Bentley và chuyển về Hyundai, đảm nhận chức vụ Phó giám đốc Sáng tạo của trung tâm thiết kế. Một thành viên khác trong đội ngũ thiết kế Camaro năm xưa là Steve Kim, người Hàn Quốc, hiện giữ chức giám đốc studio thiết kế của GM tại Seoul. Sangyup Lee và Steve Kim từng làm việc trong tầng hầm ngôi nhà của Sangyup Lee ở ngoại ô Detroit. Mỗi đêm, họ vẽ ra giấy ý tưởng về chiếc Camaro thế hệ mới.

Tập đoàn GM, nhà sản xuất xe hơi Detroit mua lại Daewoo Motors năm 2002, có gần 30 người Hàn Quốc trong hàng trăm chuyên gia làm việc trong phòng thiết kế chính ở Michigan. Nhóm nhà thiết kế gốc Hàn được mệnh danh là "K-Team".

Trong khi đó, ở Toyota, Jinwon Kim là người chỉ đạo thiết kế mẫu SUV cỡ trung FJ-Cruiser. Hubert Lee, nhà thiết kế gốc Hàn làm việc ở Mercedes-Benz, chính ông đã chắp bút vẽ nên chiếc CLS thế hệ 2012. Jay Jongwon Kim, một ngôi sao hiện làm việc ở Opel, đã thiết kế nên chiếc concept Monza nhận được nhiều lời khen ngợi từ chuyên gia vào thời điểm ra mắt, tại triển lãm Frankfurt 2013.

Tai nang thiet ke xe hoi cua nguoi Han Quoc hinh anh 2
Jay Jongwon Kim bên cạnh chiếc Opel Monza, mẫu concept nhận được nhiều lời khen ngợi từ phía các chuyên gia

Chris Bangle, cựu Giám đốc thiết kế của BMW, hiện điều hành một công ty tư vấn thiết kế ở Ý, từng bình luận: "Người Hàn Quốc là những nhà thiết kế rất xuất sắc được đào tạo rất bài bản, với ý thức làm việc kỷ luật cao".

Bumsuk Lim, một giáo sư thiết kế xe người Hàn Quốc của trường Art Center College Design tại California, cho biết ngày càng nhiều nhà thiết kế Hàn Quốc nổi danh là kết quả của sự chuyển mình của ngành công nghiệp toàn cầu.

"Đối với hầu hết quốc gia phát triển, xe hơi nói chung đơn thuần là phương tiện vận chuyển", ông nói. "Còn ở Hàn Quốc và giờ đây là Trung Quốc, người dân vẫn mơ ước sở hữu xe hơi, và được coi như một vật thể hiện bản thân, khiến thiết kế xe hơi trở thành một ngành nghề chuyên nghiệp".

Bumsuk Lim, người trước đây từng làm việc ở GM và Honda Motor, cho biết một lớp học điển hình từ 12 đến 15 sinh viên tại trường Art Center College Design thường có hơn một nửa người châu Á, và một nửa số đó là người Hàn Quốc. 

Một người tiên phong cho tài năng thiết kế của Hàn Quốc ngày nay là John Chun, cựu chiến binh trong cuộc nội chiến. Vào cuối thập niên 60, John Chun đã thiết kế những mẫu Shelby Corba, phiên bản hiệu suất cao của Ford Mustang. Ông từng đảm nhận công việc tư vấn cho Hyundai, trước khi mất ở tuổi 84.

Vài thập kỷ sau, Bumsuk Kim và Sangyup Lee mở đường cho thế hệ thiết kế xe hơi thời hiện đại của Hàn Quốc. Dù vậy, ông Bangle, cựu Giám đốc thiết kế của BMW, cho biết thế giới đang mong đợi nhiều hơn về các nhà thiết kế Hàn Quốc để bắt kịp với đất nước láng giềng Nhật Bản, nơi sinh ra Ken Okuyama, người thiết kế chiếc Ferrari Enzo huyền thoại và ông Shiro Nakamura, nhà thiết kế chính của Nissan Motor.

Ngoài tài năng thiết kế bẩm sinh, sự thành công của người Hàn Quốc còn đến từ thái độ bền bỉ không bỏ cuộc. Bangle nhớ lại, vào một ngày năm 2006, một cậu sinh viên ngành thiết kế công nghiệp đứng trước studio thiết kế của BMW mà không hẹn trước.

Cậu tự bỏ tiền đến Đức với tờ giấy ghi địa chỉ trụ sở BMW, cùng một bộ hồ sơ thiết kế và sự khao khát thành công. Đến nơi, cậu sinh viên Hàn Quốc cố thuyết phục khiến nhân viên lễ tân miễn cưỡng gọi một nhà thiết kế mà cậu ấy thấy tên trên internet. Với khả năng sử dụng thông thạo tiếng Anh và tiếng Đức, ngày hôm đó, cậu đã được phép vào thuyết trình về khả năng của bản thân, đầu tiên ở studio MINI và sau đó là studio BMW, nơi Bangle lúc ấy vẫn đảm nhận vị trí Giám đốc thiết kế.

Jay Jongwon Kim chính là chàng sinh viên ấy. 6 tháng sau, cậu trở lại BMW với lịch hẹn trước để trình bày với Bangle một mô hình thu nhỏ mà anh trình bày lúc trước. Jay Jongwon Kim hoàn thành xuất sắc buổi trình bày, và nhận cơ hội thực tập tại công ty.

7 tháng sau, chàng sinh viên Hàn Quốc nhận được công việc chính thức. Sau một khoảng thời gian, Jay Jongwon Kim chuyển tới Mercedes-Benz ở Yokohama và sau đó là Opel thuộc tập đoàn GM, nơi ông thiết kế chiếc concept Monza, mở ra ngôn ngữ thiết kế mới của thương hiệu.

Tai nang thiet ke xe hoi cua nguoi Han Quoc hinh anh 3
Christine Park hiện là nhà thiết kế ngoại thất hàng đầu của Cadillac.

Một ví dụ khác về sự thành công của các nhà thiết kế xe hơi Hàn Quốc là Christine Park, người phụ trách thiết kế chính nội thất mẫu Cadillac XTS năm 2012, mẫu sedan cỡ lớn mang trách nhiệm khôi phục hình ảnh thương hiệu. Cô hiện là nhà thiết kế ngoại thất hàng đầu của Cadillac. 

Christine Park cho biết thành công của các nhà thiết kế xe Hàn Quốc đi lên cùng sự phát triển của ngành thời trang và kiến trúc khi nền kinh tế nơi đây đang ở thời kỳ thịnh vượng. Bố mẹ Christine Park muốn cô trở thành luật sư, bác sĩ hoặc kỹ sư, nhưng thời nay, nghệ thuật ngày càng được đón nhận, khiến thiết kế xe hơi trở thành một ngành nghề hấp dẫn với nhiều người, cô nói.

Sangyup Lee cho rằng, người Hàn Quốc đang bắt kịp với sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi vì họ từng trải qua thời kỳ không có 'văn hóa xe hơi'. Không giống như các đồng nghiệp ở châu Âu hay Mỹ, gia đình ông không có một gara đầy ắp cỗ máy 4 bánh. Jay Jongwon Kim ở Opel có hoàn cảnh tương tự. Anh là con trai trong một nhà đình xay xát gạo, thậm chí hiếm khi thấy một chiếc xe hơi trên đường phố nơi anh sống thuở thơ ấu.

Sangyup Lee năm 12 tuổi tham gia lớp luyện thi về nghệ thuật vào mỗi buổi tối, với quyết tâm trở thành sinh viên trường đại học Hongik, một trường nghệ thuật hàng đầu Hàn Quốc. Ông tiếp tục nghiên cứu ngành điêu khắc tại Hongik và sau đó là thiết kế xe tại trường Art Center College Design. Sau này ông được nhận vào GM năm 1999, sau một thời gian ngắn làm việc tại Porsche và Pininfarina, một studio thiết kế độc lập của Ý.

"Chúng tôi không có công nghiệp xe hơi lớn mạnh ở Hàn Quốc, vì vậy, hầu hết chúng tôi thèm khát và sẵn sàng làm việc chăm chỉ để có kiến thức và chuyên môn về thiết kế xe hơi", Lee cho biết. "Điều đó khiến chúng tôi có được những thành tựu như hiện tại".

Patrick le Quement, Trưởng bộ phận thiết kế của Renault, người đã nghỉ hưu năm 2009 sau 22 năm làm việc, cho biết thách thức lớn nhất cho các nhà thiết kế Hàn Quốc hiện nay là tính nhất quán thiết kế, một thiết kế di sản lâu dài, thay vì các thiết kế đơn lẻ như hiện tại.

"Tôi rất ấn tượng với khả năng của các nhà thiết kế trẻ của Hàn Quốc", ông nói. "Nhưng một thiết kế di sản lâu dài mới là dấu hiệu của một tài năng thực sự".

Phúc Cường

 

GỌI NGAY – 0829.599.499 - 0948.616.068
ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ CUNG CẤP ĐỒ CHƠI - PHỤ KIỆN Ô TÔ CHẤT NHẤT

Địa chỉ292 Thạch Lam, P. Phú Thạnh,  Quận Tân Phú, TP. HCM
E-mail:  Nuochoaxehoihcm@gmail.com


Tin tức liên quan

Bình luận